Tinh xảo nghệ thuật thảm Ba Tư

Thời báo Kinh Doanh - Những trang trí, màu sắc, kích cỡ và cách dệt đa dạng, cầu kỳ sẽ tạo nên nét khác thường của những tấm thảm. Muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt vời nhất của những tấm thảm độc nhất vô nhị, không thể không ngắm những tác phẩm nghệ thuật thảm dệt tay Ba Tư. Thảm Ba Tư được biết đến như một sản phẩm đại diện cho một nền văn hóa có bề dầy lịch sử phát triển. Trải qua hàng chục thế kỷ phát triển, mỗi khi nhìn vào tấm thảm, chúng ta như nhìn vào tấm gương phản chiếu một thế giới nghệ thuật đã được vun đắp trong hơn 3.500 năm.

Ví như khu vườn xinh đẹp
Xuất phát từ câu chuyện, đã từ rất lâu loài người vẫn suy nghĩ tìm kiếm cho mình một tấm chiếu trải và một tấm chăn đắp phù hợp để có thể bảo vệ cơ thể khỏi mưa gió, đồng thời cách ly cơ thể khỏi thời tiết nóng nực, cũng như giá rét. Tổ chim và sự đan xen của các cây leo đã hướng con người đến việc đan, dệt. Những người nguyên thủy đã đạt đến kỹ thuật đan giỏ từ các thân cây leo và vỏ cây, sử dụng lông của những con vật sống trong thời nguyên thuỷ, tuy nhiên tấm thảm trải dệt từ những chất liệu này không được êm ái cho lắm.
 
 
Chính vì vậy, phụ nữ là người đầu tiên tham gia vào công việc này, họ đã tìm ra các cách dệt chăn, chiếu, yên ngựa và giỏ xách… được làm bằng tay. Những tấm chiếu sơ khai được dệt nên từ các tấm da mềm của động vật, sợi dây thực vật mềm và đay. Cùng với chiều hướng phát triển của xã hội và sự suy giảm sản phẩm trong săn bắn, nhu cầu sản xuất thảm ngày một tăng cao, nghề dệt được mở ra.
Theo như lý thuyết, nghệ thuật dệt thảm ở Iran đã có ít nhất 3.500 tuổi. Phẩm nhuộm thảm được chế biến từ tất cả các loại cây, rễ cây và những nguyên tố thiên nhiên khác nhau. Đôi khi những khác biệt tinh tế trong một màu nhuộm có thể xảy ra, nhất là đối với những tấm thảm được dệt bởi những bộ lạc du cư.
Và, kỹ nghệ dệt này được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác trong các gia đình ở Iran. Tại Iran, tùy vào mỗi vùng miền mà người dân ưa dùng một kiểu dáng thảm khác nhau. Ở hầu hết trong mỗi căn nhà của người dân Iran đều có một tấm thảm trang trí. Chính vì vậy, các chuyên gia nghệ thuật trên thế giới so sánh thảm Iran với một khu vườn xinh đẹp nhiều màu sắc đầy hoa lá, chim muông và các sinh vật huyền thoại cũng như trên mặt đất. Mọi người đều có thể sở hữu khu vườn nhỏ bé quyến rũ này trong chính ngôi nhà của mình.
Để một tấm thảm Ba Tư ra đời, những người thợ Iran đã phải lựa chọn tỉ mỉ từ các mẫu trang trí, chất liệu, đến màu sắc và các mô-típ thảm Ba Tư. Những chi tiết trong các tấm thảm là sự kết tinh, chọn lọc từ khi những tấm thảm đầu tiên ra đời.
Từ những vật dụng cần thiết đơn giản làm tấm trải sàn bảo vệ dân bộ lạc du cư khỏi giá lạnh, vẻ đẹp gia tăng của những tấm thảm đã tìm được người chủ mới của mình, những người yêu nghệ thuật và những chủ nhân muốn thể hiện sự giàu sang hay trang hoàng cho các tòa nhà đẹp.
Ngày nay, thảm không chỉ là nghệ thuật mà còn trở thành một ngành kinh doanh phát đạt, đóng góp một thị phần lớn vào nền kinh tế. Thảm Ba Tư đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trên toàn thế giới. Khi nói đến đất nước Iran, người ta sẽ nghĩ ngay đến những tấm thảm Ba Tư tinh xảo.
Giá trị xuyên thời gian
Đồng thời, Iran cũng là nhà sản xuất và xuất khẩu thảm dệt tay lớn nhất trên thế giới, cung cấp 3/4 sản lượng thảm thủ công của thế giới. Vậy nên, thảm Ba Tư từ lâu đã trở thành thương hiệu nổi tiếng toàn thế giới vì chất lượng tuyệt hảo, độ tinh xảo của người thợ thủ công và trên hết là cả một truyền thống văn hóa lâu đời đằng sau nó.
Quá trình làm ra một tấm thảm Ba Tư chính là sự thể hiện tính kiên nhẫn của những người thợ dệt thảm. Để dệt được một tấm thảm, đòi hỏi sự kiên nhẫn của người thợ bởi trong từng xentimét vuông là hàng trăm mũi dệt rất tinh tế. Để có được những tấm thảm đẹp, tinh xảo, thợ thủ công cần phải phân loại các sợi chỉ theo từng màu sắc trong số hàng trăm nhóm màu khác nhau.
Một tấm thảm có giá hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn USD (tùy theo kiểu dáng, kích thước và chất liệu). Trung bình của mỗi tấm thảm Ba Tư có giá từ 500 USD trở lên. Giá trị của tấm thảm càng tăng dần theo tuổi thọ và cũng phụ thuộc vào người nghệ nhân dệt nên tấm thảm đó.
Len, lụa, cotton là những chất liệu được ưu tiên hàng đầu để dệt lên những tấm thảm. Phẩm nhuộm thảm được chế biến từ tất cả các loại cây, rễ cây và những nguyên tố thiên nhiên khác nhau (tuyệt nhiên không dùng các loại hóa chất công nghiệp) nên thảm giữ được độ bền mầu rất lâu.
Nếu tấm thảm có tuổi thọ 40 - 50 năm, giá trị của nó sẽ tăng 10 - 20%. Thông thường, sau khi sử dụng thảm để trải sàn nhà khoảng 50 - 100 năm, người ta sẽ treo thảm lên tường để làm vật trang trí.
Ông Hossein Alvandi Behineh, Đại sứ Iran tại Việt Nam, cho biết những tấm thảm thể hiện nét giá trị văn hóa, đời sống tôn giáo độc đáo của người Iran. Thảm Ba Tư mà người Iran làm là những loại thảm có giá trị lớn nhất trên thế giới, không chỉ mang tính trang trí, ứng dụng mà còn là những tác phẩm nghệ thuật đa dạng.
Mỗi tấm thảm thủ công đều được thực hiện một cách tỉ mẩn, được người Iran "biến hóa" thành những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp, có mức giá từ 500 đến 2 triệu USD. Những hoa văn, họa tiết, hình ảnh trên thảm còn mang ý nghĩa thể hiện những câu chuyện có tính thần thoại, ngụ ngôn của người Iran.
Chia sẻ về những kỹ thuật thủ công tinh xảo để làm nên những kiệt tác thảm Ba Tư, ông Bagher Seirafian, nghệ nhân thảm xuất sắc người Iran, cho biết: Những trang trí, màu sắc, mô típ của thảm dệt tay Ba Tư là một trong những yếu tố quan trọng trong việc tạo nên đặc điểm nghệ thuật và văn hóa của thảm Ba Tư. Mẫu hình, màu sắc, trang trí có vai trò quan trọng nhất trong việc quyết định chất lượng và hình thức của thảm. Tính đa dạng khác thường của những mẫu hình và trang trí có được là nhờ sự sáng tạo của người dệt thảm và nhà thiết kế.
Đa phần các tấm thảm đều được dệt trong thời gian dài lên tới 5 - 6 năm. Các tấm thảm này dệt theo những mẫu trang trí như Lachak-toranj (trang trí hình mề đay ở các góc), Afshan (trang trí hoa trên toàn bộ thảm), Toranji (trang trí hình mề đay), Mehrabi (trang trí hình người cầu nguyện), Derakhti (trang trí hình cây), Baghi (trang trí hình vườn cây), Moharramat (trang trí kẻ sọc), Tasviri (trang trí bằng tranh), Shekargahi (trang trí bằng hình đi săn),…
Thêm vào đó, nghệ nhân Amir Erami chia sẻ, quy trình để tạo nên một tấm thảm cần trải qua 4 bước, bao gồm: thiết kế, lựa chọn màu sắc, phối hợp chúng với nhau và chuẩn bị công cụ dệt thảm. Tùy thuộc vào kích thước và độ tinh xảo, có tấm thảm phải mất đến 1 năm để hoàn thành.
Cũng như theo lẽ thường, những thứ có giá trị thường hay bị sao chép. Trên thị trường từ lâu đã xuất hiện những tấm thảm Ba Tư xuất xứ từ Trung Quốc, Afghanistan… Song, ông Mohammad Ebrahim Hatamifar, Giám đốc Safa Carpet - công ty sản xuất thảm Ba Tư hàng đầu Iran, đã tự tin cho rằng: "Những tấm thảm xuất xứ từ các quốc gia khác không chứa đựng lịch sử của đất nước Ba Tư trong đó, nó chỉ đơn thuần là sao chép các họa tiết của chúng tôi mà thôi. Tôi cảm thấy rất vui vì điều đó cho thấy rằng thảm của chúng tôi phải có giá trị như thế nào mới khiến họ phải sao chép nhiều như vậy".