Nhà phố, nhà ống thông thường bếp thiết kế ở cuối hay gần cuối nhà cùng với khu vực bàn ăn. Tuy nhiên, nhiều trường hợp do điều kiện mặt bằng, do lối sinh hoạt riêng của gia chủ...
Nhà phố, nhà ống thông thường bếp thiết kế ở cuối hay gần cuối nhà cùng với khu vực bàn ăn. Tuy nhiên, nhiều trường hợp do điều kiện mặt bằng, do lối sinh hoạt riêng của gia chủ... bếp lại được bố trí ở nhiều nơi như trên lầu, sân thượng hay ngay trước nhà.
Bếp trên tầng cao là trường hợp ở nhà ông Quốc Chung ở quận Bình Thạnh (TP HCM). Ông Chung chuẩn bị xây một trệt, hai lầu và sân thượng trên diện tích 60 m2. Bản vẽ thiết kế biểu thị không gian bếp ăn trên sân thượng. Ông Chung cho biết, sau khi bàn bạc kỹ với kiến trúc sư mới đi đến thiết kế cụ thể đó. Tầng trệt mở văn phòng, sinh hoạt gia đình ở các lầu trên. Nếu bếp đặt ở lầu một thì từ lầu hai đi xuống cũng như đi lên sân thượng. "Bố trí bếp ở sân thượng có vườn cảnh lại hay, vừa thông thoáng tự nhiên, vừa làm nơi sinh hoạt chung gia đình, vừa có thể tiếp bạn bè... lai rai cũng vui", ông Chung nói.
Nhà Bếp không nằm trong bếp |
Nhiều nhà có diện tích rộng hơn cũng tổ chức thêm một bếp trên sân thượng dùng vào những lúc tiếp bạn bè, thân hữu hoặc làm không gian sinh hoạt chung. Ở đó có thể tổ chức những bữa ăn đồ nướng tiện lợi, thoáng và thích nghi vì không bị vương nặng khói bụi vào nhà. Các căn hộ trên cùng của những chung cư (penthouse) cũng thường thiết kế bếp ăn trên sân thượng. Không gian rộng mở ở tầng cao sẽ thoáng đãng, yên tịnh và lý thú cho những bữa ăn, buổi tiệc có tính gia đình.
Bếp với vườn thoáng tự nhiên cũng đang phổ biển. Điều quan trọng là đặt được bếp ở những vị trí mà có sự thông thoáng tự nhiên là hay nhất và ưu tiên hàng đầu. Tình huống khó “xoay xở” lắm mới dùng tới giải pháp thông thoáng nhân tạo bằng quạt hút hay máy hút mùi. Nhiều nhà có máy hút mùi nhưng lắp đặt sai, không gian bếp cũng ngột ngạt. Máy không chỉ khử mùi mà cần phải nối đường ống thổi vào hộp gen kỹ thuật để cho thoát hơi, khói ra ngoài hay nối ống thổi ra khoảng không nào đó, chứ không thể bỏ lắp đặt ống thổi hơi này.
Ảnh minh họa |
Tổ chức bếp ăn nối với sân vườn sau nhà hay một bên nhà cũng là cách thiết kế thú vị, dù vườn cảnh đó chỉ nhỏ hay vừa đủ. Tại các vị trí đó, có thể bố trí bếp ăn phía trong nhà, mở rộng cửa kính đến tận sàn; bình thường khi mưa nắng, đóng cửa lại nhưng vẫn “vãn” được cảnh vườn. Khi trời ráo hay chiều hôm, có thể mở toang cửa đưa bàn ăn ra vườn, nối hai không gian bếp và vườn cảnh làm một.
Hoặc trên những diện tích nhà không vuông vức, có khoảng nhô ra, nếu thuận lợi về thông thoáng, tổ chức thích hợp các không gian chức năng; có thể đưa bếp vào chỗ dôi ra đó. Như vậy, vừa có cảm giác nhà được “bình ổn” lại, vừa cho cảm giác nhà rộng ra vì như có không gian nhà bếp hay bếp ăn riêng.
Bếp không ở trệt cũng không cuối nhà là trường hợp ở Mỹ. Theo một KTS ở đây, cứ xây 100 căn nhà ở Mỹ thì thường có 10 căn tổ chức bếp ăn ở ngay phía trước nhà bởi chủ nhà thường xuyên tiếp khách trên bàn ăn uống. Đó cũng là lý do để người thiết kế thực hiện theo lối sống thường khi và sở thích của gia chủ. Hoặc vào những thế đất nhà có chiều ngang rộng ví dụ, bếp có thể bố trí ra phía trước nhà - nơi có hướng tiếp xúc trực tiếp với môi trường tự nhiên. Và thường những khu vực bếp ăn, phòng khách là không gian mở, liên thông nhau; vừa nới rộng không gian, thông thoáng, vừa tạo được sự thân thiện.
Bếp nằm ở tầng lửng thường thấy, do diện tích tầng trệt không đủ để chứa. Nhiều khi, tầng trệt chỉ làm nơi để xe, vệ sinh hay chỉ là phòng khách và bếp ở tầng lửng sẽ thoáng khí hơn. Bếp đưa lên các tầng lầu trên cao cũng có những điều kiện sử dụng riêng. Chẳng hạn, những tầng phía dưới mở văn phòng, cho thuê... nhưng dù xếp đặt ở đâu thì tiên quyết vẫn là làm sao tạo được sự thông thoáng tự nhiên. Và bếp ngày nay còn là nơi thư giãn cho quý bà, ở đó còn có ti vi, có võng, ghế bố, sofa, có giá đựng sách báo cho người đứng bếp giải trí.